Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa tiếng Hán
ban 班
◎ “ban” chữ chỉ sự, giữa là bộ đao, hai bên là hai chữ ngọc, xưa cắt đôi miếng ngọc để hai bên cùng làm tin, như “cắt ngọc thuỵ để ban cho các vua chư hầu” (班瑞于群后) [Kinh Thư - thuấn điển]. Sau phái sinh sang nghĩa “ngôi, thứ, hàng, chỗ bách quan tụ hội chia ra từng ban để phân biệt trên dưới”, tiếng Việt còn có lưu tích như lưu ban (đúp lớp), đồng ban (cùng hàng), ban ngành, ban bộ, ban bệ. Từ nghĩa không gian, “ban” mở rộng sang nghĩa thời gian trỏ các “lớp thời gian được phân tách theo tri nhận của người bản ngữ”, ví dụ “ban” là khoảng thời gian được chia theo ca làm việc, như giao ban, ban ca, tiếng Hán có các cụm 三班倒;上夜班 (quãng đầu nửa đêm). “ban: c.n. hàng, sọc, phiên, thứ, đương lúc. Ban sơ: hồi đầu hết, trước hết. Ban đầu. id. ban ngày. Ban đêm. Ban mai. Ban hôm: buổi tối. Ban chiều. Ban trưa. Ban tối. [Paulus của 1895: 28].
dt. <từ cổ> buổi, khoảng thời gian nào đó trong ngày hoặc đêm. Thuyền mọn còn chèo chăng khứng đỗ, trời ban tối ước về đâu? (Ngôn chí 14.8)‖ Giữa giáp canh ban trống ba. (Hồng Đức QATT b.42)‖ Những khi bóng ác ban (đào duy từ- Tư Dung Vãn, c. 143).
dt. HVVD <từ cổ> khi, lúc, đứng trước tính từ, trỏ quãng thời gian nào đó của đời người. Tuổi tàn, cảnh đã về ban muộn, tóc bạc, biên khôn chác lại xanh. (Tự thuật 113.3)‖ Thương ôi tuổi tác kẻ ban già. (Bạch Vân Am b.93)‖ Đặng tuấn thế đã ban nghèo. (TNNL c. 2055).
buồng 房
◎ Nôm: 𢩣 / 蓬
dt. âm THV của phòng. Buồng văn tấp cửa lọn ngày thu, đèn sách nhàn làm song viết nho. (Thuật hứng 58.1).
dt. tập hợp sinh dục (hoa hay quả) của một số loài thực vật, tiếng Hán có từ liên phòng (buồng sen, gương sen), tiếng Việt có từ cau liên phòng (cau liền buồng), buồng chuối. Từ bén hơi xuân tốt lại thêm, đầy buồng lạ mầu thâu đêm. (Ba tiêu 236.2).
cho 賙
◎ Nôm: 朱 Đọc âm HHV, AHV: chu, nghĩa trong tiếng Hán là “chu cấp”, đem của cải của mình để cứu tế cho người khác. Tiếng Việt có từ chu tất (hoàn tất, trọn vẹn, đầy đủ) vốn đọc chệch âm và trại nghĩa từ chữ chu tuất 賙恤 (cứu giúp thương xót những người nghèo khổ). Ss đối ứng cɔ¹, cɔ² (29 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 194]. Như vậy, “cho” là từ hán Việt-Mường.
đgt. chuyển cái thuộc sở hữu của mình sang cho người khác. (Tự thán 83.4)‖ Lợi tham hết lấy, nhiều thì cạnh, nghĩa phải đam cho, ít chẳng phường. (Bảo kính 128.4, 128.4, 130.1, 171.5, 175.1)‖ (Cúc 217.1)‖ (Trường an hoa 246.2).
k. HVVD từ đi sau cụm động từ mang ý khiến sự vật, sự việc đạt đến trạng thái nào đó. Nước dưỡng cho thanh đìa thưởng nguyệt, đất cày ngõ ải rãnh ương hoa. (Ngôn chí 4.5, 10.2)‖ (Mạn thuật 27.8, 29.2, 25.6)‖ (Tự thuật 117.7)‖ (Tự thán 111.2)‖ (Bảo kính 137.5, 143.7, 172.7, 173.7, 175.8)‖ (Quy Côn Sơn 189.8)‖ (Huấn Nam Tử 192.5).
k. HVVD từ biểu thị đối tượng sắp nêu ra là sẽ chịu sự tác động (tốt, xấu) của hành động ở trước đó. Song viết lại toan nào của tích, bạc mai vàng cúc để cho con. (Thuật hứng 49.8)‖ (Tự thán 92.8, 111.3)‖ (Bảo kính 149.6, 144.3, 151.8).
đgt. HVVD đồng ý để ai làm việc gì. Cho về cho ở đều ơn chúa, lọ phải xung xăng đến cửa quyền. (Thuật hứng 53.7)‖ (Tự thán 105.3)‖ (Bảo kính 177.4)‖ (Đào hoa thi 231.4).
đgt. HVVD để sự vật hay hiện tượng nào đó xảy ra. Con lều mọn mọn đẹp sao, trần thế chẳng cho bén mỗ hào. (Thuật hứng 52.2)‖ (Tự thán 85.6, 108.6)‖ (Bảo kính 128.8)‖ (Tảo xuân 193.8)‖ (Hạ cảnh tuyệt cú 197.1).
đgt. HVVD nói tắt của cho rằng, cho là. Ở thế thì cho ta những thiệt, khoe mình khá chịu miệng rằng lành. (Tự thuật 113.5)‖ (Bảo kính 184.1).
k. HVVD như để, trong Để cho. (Tự thuật 112.8)‖ (Bảo kính 132.7, 134.5, 146.6, 152.7)‖ Đường tuyết thông còn giá in, đã sai én ngọc lại, cho dìn. (Tảo xuân 193.2).
k. HVVD (từ dùng để khuyên nhủ), như chữ đi. Việc ngoài hương đảng chớ đôi co, thấy kẻ yêng hùng hãy dịn cho. (Bảo kính 176.2).
chận 瞋
◎ Nôm: 陣 AHV: trận. Xét, đối ứng gi- (HHV) ~ s- (AHV), như: giường ~ sàng 床 , giò (gà-) ~ sồ 雛 (con so, con non). Ss đối ứng gện [Rhodes 1651], chjấn (Lâm La), chẩn (bái đính), chân (tân ly), chơn (Hạ Sữu, uy lô, Thái Thịnh) [Gaston 1967: 142]; quá trình ch- > gi- diễn ra sau thời điểm soạn An Nam dịch ngữ [NN San 2003: 205]. Chuỗi đồng nguyên: sân giận trong tiếng Việt, vốn xuất phát từ 瞋. Xét, chữ “瞋” nghĩa gốc là “trừng mắt” (張目也) [Thuyết Văn] sau cho nghĩa “giận dữ” (Quảng Vận). Xét, ở thế kỷ XVII, ngữ tố này có thuỷ âm c- (như Rhodes và các thổ ngữ Mường). ở thế kỷ XV, có thể là một thuỷ âm kép. Kiểu tái lập: *kcan⁶. Quá trình du nhập từ tiếng Hán sang tiếng Việt như sau: sân > *kcan > chận > giận. Trong đó, *kcan là âm HHV ở thế kỷ XV, giận là âm HHV ở thế kỷ XVIII đến nay. Ngoài ra, các đối ứng có c- ở tiếng Mường đều là các âm Hán Mường. Chữ “giận hờn” dịch từ chữ “sân hận”.
đgt. tức. Chận làm chi, tổn khí hoà, nào từng hữu ích, nhọc mình ta. (Giới nộ 191.1)‖ (Miêu 251.8).
cuối 季
◎ Nôm: 檜 AHV: quý, đọc theo âm THV. Sách Thuyết Văn ghi: (究窮也). Kinh Thi phần Tiểu nhã ghi: “Ta chinh phạt phía tây, đến tận đồng cỏ xa xăm” (我征徂西,至于艽野). Chuỗi đồng nguyên trong tiếng Hán : 究= 窮 = 艽, kiểu tái lập: giuəm [LQ Kiệt 1999: 191- 192]. Xét, cả ba chữ trên đều có nghĩa gốc là “cái hang sâu”. Lại xét, 季 là “con cuối” (con út), “季弟” (em út) sách Nghi Lễ có chữ “季指” (ngón út). Lại có các từ như “季月” (cuối tháng), “季世” (cuối đời), “季春之月” (tháng cuối xuân). Xét, từ “cuối cùng” là cách đọc cổ của “究窮”, cứu cánh (cuối cùng) < 究竟. Ss đối ứng kuəj (28 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 204]. Đây là từ hán Việt-Mường.
dt. HVVD phía sau cùng của một không gian. Tằm ươm lúc nhúc, thuyền đầu bãi, hàu chất so le, cụm cuối làng. (Ngôn chí 9.6, 18.6)‖ (Nhạn trận 249.1).
cơn 根
◎ Nôm: 干 cơn là âm THV có âm phiên thiết là cân, AHVcăn, có nghĩa là “gốc”, “rễ”, “nguồn gốc” [Huệ Thiên 2006: 377] ví dụ: căn nguyên = nguồn cơn (căn do) [Paulus của 1895: 187]. Trong tiếng Hán, 根 trỏ rễ cây, 荄 (cai) trỏ rễ cỏ. Như vậy, đây đều là đồng nguyên tự, có thể tái lập nguyên từ là kal. Mặt khác, từ cơn phan ngọc cho là từ kal gốc Khmer với nghĩa là lúc [ĐDA 1987: 91]. kal là từ Khmer gốc Sanskrit là kalā có nghĩa là phần, bộ phận, phần thời gian. Huệ Thiên cho rằng, không có mối liên hệ về nghĩa giữa kalcơn (2006: 377) là không chính xác, bởi cơn trong cơn gió, cơn bệnh, cơn giận, cơn điên, cơn mưa, đòi cơn, cơn rét, có cơn… đều là mang nghĩa “lúc”. Như vậy, cơn (trong nguồn cơn, cơn cớ) là gốc Hán, ngẫu nghiên đồng âm với cơn (cơn mê) là từ gốc Khmer-Sanskrit.
dt. HVVD lượng từ, trỏ khoảng thời gian xảy xa một hiện tượng tự nhiên hay hiện tượng tâm sinh lý. Mấy phút om thòm dường tích lịch, một cơn lừng lẫy tựa phong ba. (Giới nộ 191.6). Cơn lừng lẫy: cơn giận.
cần câu 竿鈎
◎ Nôm: 芹鈎 AHV: can câu. Chữ câu tiếng Hán nghĩa là cái lưỡi câu. Tiếng Việt chuyển nghĩa thành động từ, đồng nghĩa với chữ điếu 釣 trong tiếng Hán.
dt. HVVT dụng cụ câu cá, có tay cầm bằng tre (cần 竿) và lưỡi móc bằng kim loại (câu 鈎). Liều cửa nhà xem bằng quán khách, đam công danh đổi lấy cần câu. (Mạn thuật 30.4)‖ Đạp áng mây, ôm bó củi, ngồi bên suối, gác cần câu. (Trần tình 41.4). x. câu.
cổi 解
◎ Nôm: 檜 Đọc theo âm HHV [PJ Duong 2013: 158]. AHV: giải. “Cổi: lột ra. Cổi áo ra. Cổi dêi ra” [Rhodes 1651 tb1994: 65]. Sau này đọc thành cởi. Chữ “giải” trong tiếng Hán trỏ việc dùng dao (刀) bổ đôi sừng trâu (牛角), sau mới cho nghĩa phái sinh là “cởi bỏ” (untie). Ss đối ứng kot (7 thổ ngữ Mường), kɤj (6 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 201].
đgt. <từ cổ> tháo nút buộc, đọc theo âm THV. Nghìn dặm xem mây nhớ quê, chẳng chờ cổi ấn gượng xin về. (Bảo kính 155.2)‖ Xin về xưa cổi ấn Ngu Khanh. (Bảo kính 169.4)‖ dịch chữ giải ấn từ quan.
đgt. <từ cổ> dịch chữ giải sầu 解愁, giải phiền 解煩, giải ưu 解憂. Cuộc lần cờ thấp tan ngày diễn, bếp thắng chè thô cổi khuở âu. (Bảo kính 154.6), dịch câu kỳ cục tiêu trường hạ 棋局消長夏 (cuộc cờ tiêu ngày hè dài) của Tô Thức‖ Nào của cổi buồn trong khuở ấy, có thơ đầy túi, rượu đầy bình. (Tự thán 86.7).‖ Cổi lòng xuân làm sứ thông. (Thái cầu 253.2).
đgt. <từ cổ> cởi bỏ, dịch chữ giải tục 解俗. Cổi tục, chè thường pha nước tuyết, tìm thanh, khăn tịn nhặt chà mai. (Ngôn chí 2.3)‖ Cổi phàm tục. (Bảo kính 187.5). cởi. x. giải.
cột rường 橛梁
AHV: quyết lương (TVG, ĐDA). Xét, “quyết” và “trụ” trong tiếng Hán đều là cái cột dựng để đỡ, nhưng quyết là cột quân (ngắn), còn trụ là cột cái.
dt. HVVT (đen) cột cái và thượng lương, những kết cấu chịu lực chính trong kiến trúc gỗ, (bóng) bề tôi tài năng có khả năng đảm đương trọng trách trong triều. Hoa chăng thay rụng, bày chi phấn, thông sá bù trì, mộng cột rường. (Tức sự 125.6). Giữa trời chăm chắm nên rường cột. (Hồng Đức 53a) x. đống lương.
hớp 哈 / 吸
hớp: đọc âm THV. 哈 đồng thời là nguyên từ của (trong hà hơi), ngáp (trong cá ngáp) và ha (trong từ ha ha). Chữ 吸 (hấp) nghĩa là hít vào (trong từ hô hấp). Trong tiếng Hán, 吸 và 哈 là những đồng nguyên tự. Tuy nhiên, các văn bản nôm thường dùng thông các tự hình này [NQH 2006: 500]. AHV: cáp (thanh phù: hợp), ABK: ha.
đgt. uống. Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén, Ngày vắng xem hoa bợ cây. (Ngôn chí 11.3). Bến trăng cá hớp trăng. (TKML iii 39b).
khoai 魁
◎ Nôm: 芌 AHV: khôi. Ss đối ứng kʼwaj (26 thổ ngữ Mường), ku⁴ law², ku⁴ poŋ³ (1 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 231].
dt. chuyên trỏ cho các loại khoai nói chung, nhưng thường là trỏ khoai lang. “vu 芋 tục gọi là khoai, củ to là khôi 魁, tục gọi là khoai nạ, củ nhỏ là nãi 奶 tục gọi là nàng ả, nàng hai. củ nãi bám trên dưới bốn bên củ khôi, lớn nhỏ như những cái vú nên mới gọi là nãi.”[Phạm Đình Hổ 1998: 113]. Xét, “khoai” là từ gốc Việt, nhưng đã được dịch sang tiếng Hán. “cây khoai lang: vốn xuất xứ ở châu mỹ, được truyền sang vùng đông Nam Á vào thế kỷ XVI. Khoảng niên hiệu Vạn Lịch (1573 - 1620) đời Minh, ông trần ích, người quảng đông đem giống cây khoai lang từ Việt Nam tới và ông trần chấn long, người phúc kiến đem giống khoai lang từ phi-líp-pin về, sau đó cây khoai lang được trồng rộng rãi ở vùng quảng đông, phúc kiến.” [mẫn thông điện 1989: 178, chuyển dẫn đàm chí từ 2004]. Như vậy, “魁” là một từ Việt Hán. Ngày tháng kê khoai những sản hằng, tường đào ngõ mận ngại thung thăng. (Mạn thuật 23.1).
kém 歉
◎ Nôm: 劔 / 劍 歉 “khiểm: ăn không no” (歉,食不满) [Thuyết Văn], lưu tích còn trong từ đói kém. chữ 嗛 (khiếm) nghĩa là “mất mùa”. Chữ 欠 (khiếm) nghĩa là “không đủ, thiếu”. Chữ 減 (giảm, x. keo) nghĩa là “kém đi, sút đi, không bằng”. 慊 (hiềm, thanh phù kiêm) nghĩa là “nghèo” (慊,貧也) [Quảng Nhã], từ đó cho động từ “hiềm” (ganh ghét vì kém hơn người) thông với 嫌. Có chuỗi đồng nguyên trong tiếng Hán là 歉 = 欠 = 嗛 = 減 = 慊 = 嫌 [bổ sung cho Vương Lực 1982: 624- 625]. Tiếng Việt còn bảo lưu âm khem trong kiêng khem, hèm trong tên hèm. Từ chuỗi đồng nguyên trong tiếng Hán, có chuỗi đồng nguyên trong tiếng Việt kém - giảm - khem- hèm. Ss đối ứng kɛm (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 229]. Như vậy, kém là từ hán Việt-Mường.
tt. yếu, không giỏi. (Ngôn chí 6.2)‖ Người cười rằng kém tài lương đống, thửa việc điều canh bội mấy phần. (mai 214.7).
tt. ít, không nhiều. Tài lẹt lạt nhiều, nên kém bạn, người mòn mỏi hết, phúc còn ta. (Ngôn chí 8.5)‖ (Bảo kính 163.3).
tt. thua, không bằng. Ngỡ ốc nhượng khiêm là mỹ đức, đôi co ai dễ kém chi ai. (Tự thán 91.8)‖ (Bảo kính 184.2)‖ (Hoa mẫu đơn 233.2).
liên hoa 蓮花
dt. hoa sen, còn có các tên khác trong tiếng Hán như 荷, 芙蓉, 芙蕖, 菡萏. Tên bài thơ số 243. x. lầm nhơ chẳng bén. x. sen.
mây 雲
◎ Nôm: 𩄲 / 𬨿 So sánh với một số đối ứng mɣl² (Mường Thải, Tân Phong, Huy Thượng), mɣj² (Giáp Lai, Yến Mao, Ba Trại), mɣn² (Lâm La, Cổ Liêm,…) của tiếng Mường [NV Tài 2006: 240]. Có thể thấy âm mɣj² gần với mây hơn cả, mɣl² là hình thức xưa hơn và mɣn² có vẻ là xưa nhất. Âm mɣn² cho phép ta liên hệ đến vân của tiếng Hán. Mối tương ứng M > V giữa tiền Hán Việt và âm Hán Việt là những cứ liệu ủng hộ cho giả thuyết này. Như vậy, *kmjər có thể là âm của ngôn ngữ tiền Việt-Mường (PVM), kmej¹ là âm Việt hoá vào thế kỷ XV. [TT Dương 2012c].
dt. mây. (Mạn thuật 26.3, 28.4)‖ Đạp áng mây, ôm bó củi, ngồi bên suối, gác cần câu. (Trần tình 41.3, 45.3)‖ (Thuật hứng 51.6, 56.5, 64.6, 65.2)‖ (Tự thán 95.3)‖ (Bảo kính 155.1, 169.5)‖ (Lão mai 215.5).
mỗ 某
đt. <từ cổ> thường đứng trước danh từ, từ phiếm chỉ, nọ, nào đó, trỏ người hay sự vật nào đó chưa biết một cách rõ ràng xác định. Thuỷ chung mỗ vật đều nhờ chúa, động tĩnh nào ai chẳng bởi sày. (Mạn thuật 25.3)‖ (Tự thán 95.1, 100.4)‖ (Bảo kính 167.2).
đt. <từ cổ> trỏ đối tượng đã nhắc đến, hoặc đối tượng mà ai cũng đã biết. Sách Phật Thuyết có câu: Mày tuy là đệ tử cả tao, đi tu hành tuy rằng đà lâu ngày, hay sự mỗ chưa rộng. (tr. 7), sự mỗ tức các sự việc trong đời. Ở thế những hiềm qua mỗ thế, có thân thì sá cốc chưng thân. (Mạn thuật 33.3), mỗ thế: cuộc đời này‖ (Thuật hứng 59.3)‖ (Tự thán 73.7), mỗ phận: phận của mình (tức trỏ phận của các loài phi tẩu)‖ (Tự thán 98.8)‖ (Cúc 216.8), mỗ mùi hương: mùi hương của từng loài hoa (Cúc và lan).
đt. <từ cổ> ngôi tự xưng, ta, có thể dùng làm chủ ngữ, cũng có thể làm tính từ với nghĩa “của ta”. Vương An Thạch 王安石 đời Tống trong du bảo thiền sơn ký 游褒禪山記 viết: Vương Mỗ 王某 và tự chua rằng “Vương Mỗ tức Vương An Thạch tôi. Cổ nhân xưa khi biên soạn sách vở, khi viết đến tên mình, thường chỉ viết chữ mỗ để thay thế, hoặc viết chữ mỗ sau họ của mình. Sau khi viết xong, cho chép lại sách ấy thì mới chính thức viết danh tính”. Trong sách Phật Thuyết có đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất là mỗ giáp : tôi, ta (đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số ít). Dịch từ chữ Hán tương ứng ngã 我 trong câu Ấy vậy mỗ giáp kĩnh lễ ← 是故我皈依 Phật Thuyết, 2b1 ‖ (Ngôn chí 7.1)‖ Phú quý chẳng tham thanh tựa nước, lòng nào vạy, mỗ hây hây. (Ngôn chí 22.8)‖ (Mạn thuật 29.4, 31.4, 34.4)‖ (Tự thán 94.4, 104.8, 106.2)‖ (Tự thuật 114.1, 115.2)‖ (Bảo kính 142.6, 157.7, 180.2)‖ Quý nương đà trở lại lê viên, lui gót mỗ dời chân dặm liễu. (đinh Lưu Tú 11).
dt. <từ cổ> trỏ số lượng nhỏ, chút, mảy may. Sách Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hạnh Ngữ Lục có câu: chẳng mỗ phút hơi, xẩy vậy cả mưa < 不瞬間忽然大雨. Từ ngày gặp hội phong vân, bổ báo chưa hề đặng mỗ phân. (Trần tình 37.2, 38.1)‖ (Thuật hứng 52.2).
dt. <từ cổ> một. Khi mát về chiêm bao khách êm, chốn sơn phòng chẳng có mỗ việc < 涼回客夢清,山房無個事 (TKML). Trong tiếng Hán, “cá” là lượng từ chỉ đơn vị cá thể, đứng trước nó thường là từ chỉ số lượng. Trường hợp từ số lượng là “một”, thì không nhất thiết phải dùng. Do vậy “cá sự” có thể hiểu là “nhất cá cự”, có nghĩa là “một việc”, ở đây được giải âm là “mỗ việc”, thế thì “mỗ” phải là từ chỉ số lượng [NT Nhí 1985]. Trúc thông hiên vắng trong khi ấy, nừng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm. (Ngôn chí 5.8) ‖ (Mạn thuật 33.8)‖ (Bảo kính 187.2).
pheo 笣
◎ Phiên cũ: vầu. Tất cả các bản phiên trước từ ĐDA (1976) đến TTD (2014), NQH (2014) đều phiên là “vầu”. Nay theo đề xuất của Nguyễn Vinh Quang, rằng chữ Nôm 棹 mà các vị tiền bối đọc là “ chèo ” thì nên đọc là giậu (hàng rào ). Chữ Nôm 笣 mà các vị tiền bối đọc nôm là vầu , nên đọc là pheo (tre) , âm Hán Việt của nó là bao , không phải là {trúc竹 + bao 包} như các tác giả VVH và Nguyễn Quang Hồng đã nghĩ. Khang Hy từ điển dẫn Tập Vận cho chú âm của nó là bao : 《集韻》班交切,音包. Như vậy , nguyên câu chữ Nôm 笣滥棹竹滥茹 , nên đọc ra nôm là : “ Pheo làm giậu , trúc làm nhà ”. Cái nhà đi kèm với (rào) giậu làm bằng pheo ( tre ) thì câu thơ nôm đẹp đẽ biết là bao. (nvq 2016) vầu là loại tre ống to, đốt dài, mọc ở miền núi, ngoài bắc có thấy trong cái bè người ta đóng chở về miền xuôi. Thế kỷ 17, tiếng Việt chưa có “vầu”, vì phụ âm đầu v- đến thời a.d.Rhodes mới định hình được một nửa. Trước đó hai thế kỷ thì lại càng khó có, nên việc bác cách đọc “vầu” ở quốc âm thi tập là có lý [Phan Anh Dũng 2018]. 笣 có một dạng âm cổ phục nguyên là *bao, theo Tập Vận là tên một loại tre, ở lệ phổ (cách quế lâm 100 cây số về hướng nam - khu vực tre trúc phát triển tốt của nam Việt / Lĩnh Nam), có thể đây là kí âm của pheo (“tre pheo”, Việt Bồ La có ghi) theo khuynh hướng b > ph, a ~ e và bình thanh [Nguyễn Cung Thông 2018]. Về Từ Nguyên của “笣”, tiếng Hán thì ghi đó là một loại tre trúc. Ngờ rằng đây là ngữ tố mà tiếng Hán mượn từ Tày Thái. (TTD 2016).
dt. một loại tre, lưu tích còn trong tre pheo. Pheo làm tráu, trúc làm nhà, được thú vui ngày tháng qua. (Trần tình 39.1). am mây cửa khép một cần pheo. (trạng trình- 87a)
phiến 片
dt. HVVD <từ cổ> lượng từ của sách, như chữ cuốn, quyển. Ss tiếng Hán “phiến” không được dùng làm lượng từ cho “sách”, mà chỉ dùng cho những vật mỏng, hình lá như “phiến phàm” (lá buồm),… chữ “phiến đá” trong tiếng Việt cũng là một cách Việt dụng. Chà mai đêm nguyệt, dậy xem bóng, phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu. (Ngôn chí 3.4, 18.3)‖ (Tự thán 79.3, 80.5, 82.4)‖ (Tự thuật 114.5)‖ (Bảo kính 150.8).
quáng 爌
◎ Chuỗi đồng nguyên tự trong tiếng Hán là 曠 - 光 - 晃 - 景 - 影 - 煌 - 朗 - 映 - 炅 - 晃 - 爌 - 黋 - 耿 - 炯 - 熲 - 熒 - 螢 sẽ cho chuỗi đồng nguyên trong tiếng Việt là sáng - quang - quáng - ráng - rạng - láng - lánh - nháng - nhánh - ánh - áng - huỳnh / hoàng - nhoáng - xáng (ở nghĩa “sáng” và có liên quan đến ánh sáng), bổ sung cho nghiên cứu của Vương Lực [1982: 344- 347; x. TT Dương, NH Vĩ 2013c].
tt. sáng chói, sáng loá mắt. Nắng quáng, sưa sưa bóng trúc che, cây im, thư thất lặng bằng the. (Tự thán 79.1)‖ (Lão mai 215.4).
ruộng 壟 / 壠
◎ Nôm: 𬏑 / 𪽞 Đọc theo âm THV. Nguyên tiếng Hán có các nghĩa: ruộng, bờ ruộng, luống cày và nơi cao nhất trong khoảnh ruộng dùng để táng mồ mả, từ nghĩa này lũng mới có nghĩa là “cái mả” (nghĩa này hay được dùng từ đời Tần đến đời Tấn). Với nghĩa là cái gò cao, 壟 còn có các đồng nguyên tự là 隴, 陵, 陸, 隆 [Vương Lực 1984: 314-315]. Kiểu tái lập cho âm HTC: *roŋ [Schuessler 2007: 363]. Chúng tôi tái lập là *throŋ, sau cho âm thung lũng trong tiếng Việt với nghĩa gộp trỏ “không gian có nhiều gò (cao) và khoảng đất trũng giữa các gò đó (thấp), cũng tương tự như *throŋ cho âm thuồng luồng (một tên gọi khác của con rồng, như Nguyễn Tài Cẩn đã gợi ý. x. rồng). Từ Hán Việt lũng đoạn cũng có nghĩa gốc như trên. Như vậy, chữ lũng 壟 có các lưu tích ruộng, luốngthung lũng trong tiếng Việt. Ngoài ra, chữ lục 陸 (một đồng nguyên tự khác nữa của nó) còn cho âm rộc (nghĩa là ruộng nước ven ngòi lạch hoặc trong hẻm núi) [NQ Hồng 2008: 962]. Ví dụ: nhất sở rộc tân xứ [một thửa ở xứ rộc tân] (bia 10500, khắc năm 1598). thèm nỡ phụ canh cua rộc (Nguyễn Bỉnh Khiêm - Bạch Vân Am 8b). ruộng rộc [Béhaine 1773: 509; Paulus của 1895: 260]. Phng. Nghệ An: rọng: ruộng. rọng bề bề không bằng nghề cầm tay. Tng. [TH Thung 1997: 225]. Kiểu tái lập: kiểu tái lập: *tʰroŋ⁴. [TT Dương 2012c]. Ss đối ứng hrɔŋ (4 thổ ngữ Mường), rɔŋ (13), hɔŋ (2), lɔj (1) [NV Tài 2005: 256]. Như vậy, ruộng là gốc Hán, nương - nội gốc Việt.
dt. đất cày cấy. (Trần tình 43.7)‖ Ruộng đôi ba khóm đất con ong, đầy tớ hay cày kẻo mướn mung. (Thuật hứng 56.1)‖ (Bảo kính 129.7, 140.7, 150.7, 177.7)‖ (Nghiễn trung ngưu 254.5).
sâu 龝
◎ Nôm: 蝼 (thanh phù lâu 娄). AHV: thu. Đây vốn là chữ tượng hình trong giáp cốt văn, vẽ hình con trùng đang leo lên thân cây. An Chi cho rằng sâu là âm gốc Hán rất xưa của thu - mùa của sâu bọ. “mùa sâu” là mùa côn trùng kêu rả rích, cây cối tàn tạ, nên còn gọi là mùa sầu. Tuy nhiên, trong tiếng Hán, chữ 秋 không còn bảo lưu nghĩa “mùa sâu” nữa, mà chỉ có nghĩa phái sinh “sầu” (秋 thu: sầu, và 愁 sầu: sầu). [An Chi 2006: 190-194]. Kiểu tái lập: *krau¹ [TT Dương 2012c]. Xét, sâu gốc Hán, bọ - dòi gốc Việt-Mường. Ss đối ứng doj (13 thổ ngữ Mường), ʂɤw (3) [NV Tài 2005: 267]. x. ruồi.
dt. loài trùng chuyên ăn thảo mộc. Chẳng ngừa nhỏ, âu nên lớn, nẻo có sâu, thì bỏ canh. (Bảo kính 136.6).
sông 江
◎ Nôm: 滝 Ss hung: khlôông, khong khen: khloong, uý lô: kroong. [Vương Lộc 1997: 61], k’oŋ (17 thổ ngữ Mường), ʂoŋ (4), p’aw (4), k’aw (1), t’aw (1) [NV Tài 2005: 269], karụng (Katu) [NH Hoành 1998: 299], tả, khuổi [HV Ma 1984: 415]. “giang” là từ vựng cố hữu của tiếng Hán, đã được thấy trong kim văn thời nhà Chu [đằng đường minh bảo 1964: 306]. Sách Thích Danh phần Thích thuỷ của lưu hy ghi: (江,共也。小江流入其中,所公共也) [tb 1936: 28]. Sách Phong Tục Thông Nghĩa phần Sơn trạch ghi: (江者,貢也。出珍物,可貢獻也) [tb 1980: 373]. Bổ sung thêm một số âm phiên thiết như các sách Đường vận, Tập Vận, vận hội đều ghi: “𠀤古雙切,音杠。水名”. Những cứ liệu này chứng tỏ, âm “công” là một âm cổ của “giang”, ít nhất nó đã có thuỷ âm kép từ thế kỷ VI tcn [TH Minh 2005: 72- 81]. Kiểu tái lập: *krông. Như vậy, giang - sông là từ gốc Hán, nậm gốc thái (như nậm thi, nậm rốm, nậm u, nậm na, nậm hạt, nậm giải, nậm mức, nậm việc, nậm mu, nậm lúa), pao - phao - thao - khau gốc Việt-Mường, - đà gốc tày nùng, lưu tích trong sông đà. Ngoài ra, phương ngữ Nghệ An, quảng bình,… còn có từ “rào” nhưng đang bị đẩy lùi để trở thành danh từ riêng (như sông rào cái, sông rào trổ, sông rào quán, sông rào gang, sông rào thanh, sông rào lạc, sông rào nậy). Kiểu tái lập: tʼraw, kʼraw, pʼraw.
dt. trong sông nước. Thuyền chèo đêm nguyệt, sông biếc, cây đến ngày xuân, lá tươi (Ngôn chí 22.5).
thiên nhan 天顏
dt. HVVD tiếng Hán nghĩa là dung nhan thiên tử, ở đây thiên nhan được dùng với nghĩa vẻ trời. Điệu khiếp thiên nhan chăng nỡ tịn, lui thuyền lãng đãng ở trên dòng. (Thuỷ trung nguyệt 212.7).
thăm 探
AHV: thám.
đgt. viếng chơi. Thu cao, thỏ ướm thăm lòng bể, vực lạnh, châu mừng thoát miệng rồng. (Thuỷ trung nguyệt 212.5)‖ x. Có khuở viếng thăm bạn cũ, lòng thơ ngàn dặm, nguyệt ba canh. (Bảo kính 169.7).
đgt. <từ cổ> dò tin, trong tiếng Hán, 探 đồng nguyên với 沁/滲. x. tăm. Lưu tích còn trong tăm tia, thăm dò (滲覦), săm soi, thâm nhập (滲入), do thám. Làm sứ đi thăm tin tức xuân, lay thay cánh nhẹ mười phân. (Điệp trận 250.1).
trượng phu 丈夫
◎ Phiên khác: Đại phu (PL), theo nguyên bản viết nhầm “trượng” thành “đại”. Xét, “Đại phu” trong tiếng Hán có các nghĩa: bác sĩ, chức quan đời Chu, tên một tước vị thời Tần Hán, cách xưng hô trang trọng với nghệ nhân thủ công mỹ nghệ. Nay cải chính.
dt. <Nho> người quân tử có chí khí và tiết tháo. Mạnh Tử thiên Đằng văn công hạ có đoạn: “Giàu sang không mê hoặc được, nghèo khó không dời đổi được, sức mạnh không khuất phục được, đó gọi là bậc đại trượng phu.” (富貴不能淫, 貧賤不能移, 威武不能屈, 此之謂大丈夫 phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu). Lảo thảo chưa nên tiết trượng phu, miễn là phỏng dạng đạo tiên nho. (Ngôn chí 3.1)‖ (Trần tình 43.6)‖ Trượng phu non vắng là tri kỉ. (Tự thán 81.5), “trượng phu non vắng” tức trỏ cây tùng. Vì câu 2 đang nói đến những “bạn thân trong bốn mùa” gồm trúc Tưởng Hủ, Mai Lâm Bô, tùng trượng phu, ‖ (Bảo kính 152.8, 185.7)‖ (Trúc thi 222.4, 223.1).
tóc tơ 𩯀𮈔
dt. <từ cổ> mảy may, dịch chữ ti phát 絲髪, tiếng Hán “ti phát” là danh từ, tiếng Việt dùng hơi khác. Cơm áo khôn đền Nghiêu Thuấn trị, tóc tơ chưa báo mẹ cha sinh. (Thuật hứng 65.6). x. tơ tóc.
tổ ong 祖螉
dt. so với tiếng Hán phong sào 蜂巢, phong oa 蜂窩, phong phòng 蜂房. La ỷ dập dìu, hàng chợ họp, cửa nhà bịn rịn, tổ ong tàng. (Thuật hứng 55.6).
đáo để 到底
đáo để trong tiếng Hán nghĩa là cuối cùng, rốt cuộc.
p. HVVD <từ cổ> “cùng tột, hết cách” như “lo đáo để: lo hết thế. kiếm đáo để: kiếm khắp nơi.” [Paulus của 1895: 275]. Chàu mấy kiếp, tham lam bấy, sống bao lâu, đáo để màng. (Thuật hứng 55.4)‖ (Tự thuật 117.8)‖ Thương chàng đáo để xót xa. (phương hoa, c. 318).
đãi đằng 待等
◎ Nôm: 代𬟙 AHV: đãi đẳng, đảo âm của đẳng đãi. tái sanh duyên có câu: “đợi đến trời sáng hãy tính kế lo liệu tiếp” (待等天明巧計再安排). Đây là từ vựng của tiếng Hán trung đại, có khả năng vay mượn ngôn ngữ kinh kịch từ đời Tống về sau.
đgt. HVVD <từ cổ> nói chuyện, giãi bày tâm sự. Thề cùng vượn hạc trong hai ấy, thấy có ai han chớ đãi đằng. (Mạn thuật 23.8)‖ Tình xuân dễ chẳng đãi đằng. (trinh thử c. 411)‖ Thẹn riêng chưa dám tiếng tăm đãi đằng. (ngọc kiều lê c. 1842)‖ Người buồn người biết đãi đằng cùng ai cd
đồi 堆
◎ Nôm: 頽 AHV: đôi. Ss đối ứng tol, dol (15 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 216]. Đây là từ hán Việt-Mường. Ss đối ứng đoi trong tiếng thái như đoi inthanon, đoi suthep, đoi khuntan, đoi chiêng dao, đoi tung, thành ngữ chao khao chao đoi (người núi người đồi) [An Chi 2006 t5: 320- 321].
dt. HVVD đống, trong đồi núi. nguyên nghĩa trong tiếng Hán là một động từ với nghĩa “bồi, đắp” hoặc là cái đụn cát được bồi đắp ở giữa sông hoặc ven sông, “堆沙堆” (quách phác) [Hán Ngữ Đại Tự Điển 1995: 454], nghĩa này còn đối ứng trong tiếng Việt là doi (doi gốc Hán, cồn gốc Việt), rồi chuyển thành lượng từ, như câu: “dồn nên nghìn đống đất” (卷起千堆雪) [Tô Thức - niệm nô kiều]. Tiếng Việt xưa nay không phân biệt đồi, núi, đống, gò. Ví dụ: đống đa (núi đất có nhiều cây đa) còn được gọi là loa sơn, nay gọi là gò đống đa. Xét, đồi (堆) - (丘) - đụn (墩) - sơn (山) là gốc Hán; núi - đống - ngàn - non là gốc Việt. Cày chống tuyết ngâm đòi cảnh, cuốc chơi xuân khắp mọi đồi. (Ngôn chí 13.6).
động người 動𠊚
đgt. <từ cổ> dịch chữ động nhân 動人, từ này vốn là một cụm động tân trong tiếng Hán cổ, sử dụng theo cấu trúc sử động, nghĩa là sử nhân động 使人動 (khiến người khác xúc động, làm lay động lòng người) [xem thêm TT Dương 2014a]. Đông phong ắt có tình hay nữa, kín tịn mùi hương dễ động người. (Đào hoa thi 227.4, 228.1)‖ (Dương 247.4)‖ (Mai thi 225.4, 226.1).
ấy là 意羅
đgt. <từ cổ> (hệ từ) là. Con cháu mựa hiềm song viết tiện, nghìn đầu cam quýt ấy là tôi. (Ngôn chí 13.8)‖ (Mạn thuật 23.7, 30.6)‖ (Thuật hứng 52.8)‖ (Bảo kính 158.5, 163.4). Hoặc có thể coi những câu như vậy là câu có hiện tượng đồng chủ, (1 danh từ + 1 đại từ) cùng làm chủ ngữ. Hiện tượng này cũng hay gặp trong tiếng Hán (văn ngôn).
canh 羹
◎ Chữ hội ý, gồm chữ cao 羔 (dê non) và chữ mỹ 美 (dê to). Người phía Bắc Hoa Hạ xưa chủ yếu là dân du mục, thức ăn chính là thịt cừu thịt dê, nên mới gộp hai chữ có cùng bộ dương. Nghĩa ban đầu, canh trỏ mùi thịt tươi ngon. Nấu thịt với rau và gia vị thì thành món thịt có nước sệt. Sách Thuyết văn ghi : “ngũ vị hòa canh” (五味和羹). Như vậy, chữ canh thời thượng cổ là trỏ món thịt hầm rau, phân biệt với thang (món nấu có nhiều nước). Canh mang nghĩa như thang là bắt đầu từ từ thời trung cổ trở lại đây. Chữ canh trong tiếng Việt hiện nay là trỏ (1) món rau, củ, quả nấu cùng với mắm; (2) nước rau luộc có nêm muối sau khi vớt rau ra (tùy từng vùng mà gọi); (3) món rau nấu với thịt, cá. Nhưng nghĩa thứ ba hiện đang dần được thay bằng từ súp. Thế kỷ XVII, Chỉ nam ngọc âm có tả một vài loại canh như sau: Đông qua là bí nấu canh ngọt dừ (69b), Huân hoắc riêu nấu hơi chua, Thái canh bất hoà cảm nhớ canh suông (20a), Thuần canh canh dút thơm nồng (20a), Khổ tửu dấm son chua thay, hà tương hiệu rày là mắm tôm canh (19b). Canh bính trắng một bánh canh, tôm he cà cuống thịt hành hồ tiêu (21a). Như vậy, đặc điểm của canh Việt là canh rau - mắm. Riêng món bánh canh thì miền Bắc hiện đã mất, còn bảo lưu trong tiếng Huế. và văn hoá Huế Tuy nhiên, tiếng Việt vẫn có một số từ bảo lưu nghĩa từ tiếng Hán, ví dụ: “Huyết canh (血羹) là tiết canh; Hà tí (蝦漬) là tôm canh.” (Phạm Đình Hổ 1827: 26b). Ss đối ứng: kɛŋ (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 185].
dt. món rau nấu nhiều nước. Chẳng ngừa nhỏ, âu nên lớn, Nẻo có sâu, thì bỏ canh. (Bảo kính 136.6) tng. Con sâu bỏ rầu nồi canh‖ 134.6. Cứ liệu trong thơ Nguyễn Trãi cho thấy, nghĩa của canh đã được Việt hoá từ thế kỷ XV.
đốt 焠
◎ Nôm: 炪 Âm phiên thiết: thủ nội (取內), AHV: thối, âm HTC: *sthuts (Baxter). Xét cấu trúc {火+卒}, thanh phù tốt. Như vậy, đốt là âm THV [Schneider 1995]. Văn cảnh: “Có người chán nằm bèn đốt tay, có thể gọi là tự nhẫn vậy” (有子惡臥而焠掌,可謂能自忍矣!) [Tuân Tử - Giải tế]. Như vậy, “đốt” gốc Hán, “nung”- “cháy” gốc Việt. Ss đối ứng toc, doc, tot, dot (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 216]. x. trui.
đgt. làm cho cháy. Bốn bể nhẫn còn mong đuốc đốt, Dầu về dầu ở mặc ta dầu. (Bảo kính 154.7). x. đuốc.
đgt. <từ cổ> phơi, đối dịch chữ bộc 曝. Chữ này thông với bộc 暴 trong tiểu triện gồm hình mặt trời ở trên, với chữ củng 廾 (hai cánh tay giơ lên), với chữ xuất 出 và bộ mễ 米 (thóc, gạo) trỏ việc mang thóc ra phơi nắng. Cơ- gió thổi mặt bờ- lời đốt < 風吹日曝 (Phật thuyết 20a3), tiếng Việt và tiếng Hán có từ bộc lộ 曝露, với nghĩa gốc là phơi nắng phơi sương, và nghĩa dẫn thân hiện nay vẫn dùng là ”thể hiện lòng mình ra”, gần nghĩa với các từ Hán Việt Việt tạo khác là bộc bạch 曝白, bộc trực 曝直. Chữ Nôm có bộ hỏa là vì vậy. Cũng có thể phiên là chuốt với nghĩa “trau chuốt, tu rèn” như TVG, ĐDA, MQL, PL. Nhưng sẽ làm ý thơ lộ, và quan trọng nhất là làm lộ chủ thể phát ngôn. Trong khi, đây là bài vịnh hoa cúc đỏ. Cho nên, ”đốt lòng đan” là tả việc cánh hoa cúc nở bung ra trong tiết thu, phơi màu son đỏ rực rỡ của nó dưới nắng sương, chẳng lấm chút bụi trần. Đặt câu thơ trong cả bài thơ, ta sẽ thấy hình tượng ”phơi lòng đan” nằm trong tổng thể hữu cơ với những tầng biểu tượng xoay quanh hoa cúc. Và đương nhiên, lúc này, ta mới tính đến hàm ý ngôn ngoại của cả bài thơ. Đốt lòng đan chăng bén tục, Bền tiết ngọc kể chi sương. (Cúc 217.3).
hề 奚
◎ Hề trong tiếng Hán là đại từ nghi vấn, “sao ngài không làm quan?” (子奚不為政?) [Luận ngữ].
p. HVVD. từ đứng sau phủ định từ dùng để nhấn mạnh. (Trần tình 37.2)‖ (Tự thán 80.1)‖ (Bảo kính 161.4)‖ Của chăng phải đạo, làm chi nữa, Muôn kiếp nào hề lụy đến thân. (Bảo kính 184.8).